Chuyện điện thoại Wiko của nước nào và tâm lý thị trường

00:41 |

Câu chuyện nguồn gốc điện thoại Wiko là của nước nào có vẻ khá ly kỳ và ảnh hưởng của nó tới tâm lý thị trường Việt Nam ra sao vẫn là một câu hỏi chờ giải đáp.


Vì sao lại dùng hai chữ ly kỳ để mô tả chuyện xuất xứ của điện thoại Wiko? Nghe có vẻ lạ, nguyên nhân chủ yếu là sự đan xen giữa việc vốn sở hữu với nơi hình thành và phát triển của hãng Wiko có chút khó minh bạch khiến một số người đưa tin rằng điện thoại Wiko là hàng Tàu trong khi thương hiệu lại được giới thiệu rộng rãi trên truyền thông là smartphone Pháp. Điều này đã khiến người tiêu dùng Việt Nam khá bối rối và đắn đo với hình ảnh thương hiệu Wiko khi chỉ vừa mới biết đến chưa lâu.

Đêm lễ ra mắt của hãng điện thoại Wiko tại Việt Nam, trong màn thuyết trình có nói rõ xuất xứ từ Pháp của mình.

Với một cái tên lần đầu được nghe thấy thì phản ứng tự nhiên của người dùng là đi tìm hiểu xem điện thoại Wiko của nước nào, phần vì tò mò về tiếng tăm của hãng, phần khác muốn kiểm tra xem liệu có phải đây lại là một nhãn hiệu điện thoại Trung Quốc khác xâm nhập thị trường Việt Nam hay không khi gần đây liên tiếp những hãng "smartphone Tàu" tiến vào nước ta ồ ạt. Chưa xét đến việc giá trị thực tế của điện thoại Wiko tại Việt nam được đánh giá là tốt, mang lại lợi ích và sự trải nghiệm chuẩn châu Âu, nhưng chỉ cần bị phán là hàng Tàu thì coi như điện thoại Wiko sẽ rất khó phát triển tại Việt Nam, đây là tâm lý dễ hiểu của người dân nước ta trong thời buổi này, và thật sự thì Wiko đang bị một số nguồn cho là mác Pháp ruột Tàu.

Vì sao xuất xứ Pháp của điện thoại Wiko lại bị cho có ruột Trung Quốc?


Chuyện hãng Wiko được hình thành tại Pháp là điều chắc chắn, bởi theo lịch sử của giới công nghệ Pháp ghi nhận thì hãng Wiko thành lập vào năm 2011 với quy mô ban đầu chưa tới 50 nhân lực, chỉ sau 3 năm hoạt động thì điện thoại Wiko đã trở thành smartphone được sử dụng nhiều thứ nhì ở Pháp, điều này là xác thực và chắc chắn không thể làm giả; giới công nghệ châu Âu lẫn Apple lúc bấy giờ cũng phải ngỡ ngàng điện thoại Wiko ‘cá chép hóa rồng’ tại Pháp nếu không muốn nói là tròn mắt nhìn thành công ngoài dự đoán của hãng này.

Với lịch sử hoành tráng và rõ ràng như ban ngày vừa nói qua ở trên thì lý gì điện thoại Wiko lại bị cho là ruột Tàu? Thật ra là có nguyên nhân xuất phát từ việc một nguồn tin cho hay hơn 90% cổ phần của hãng Wiko đều thuộc về Tinno Mobile Technology(TMT) – một công ty của Trung Quốc có trụ sở ở Thâm Quyến, chỉ với điều này đã khiến thương hiệu điện thoại Wiko được hình thành tại Pháp bị cho là mang ruột Tàu kệ cho thành tích tuyệt diệu từng làm được khi đánh bật Apple trên đất Pháp, bỏ qua luôn sự chứng thực và kiểm tra khắt khe của thị trường châu Âu suốt ba năm ròng với điện thoại Wiko bằng các tiêu chuẩn được biết đến là khó tính nhất quả đất.

Cách "nhìn tiền không nhìn người" và đóng mác Tàu cho điện thoại Wiko


Theo một số nơi đăng tải thì cổ phần của TMT trong hãng Wiko là lên đến 95%, thật không thể phản bác được gì hơn nếu nói Wiko bây giờ đã hoàn toàn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Trung Quốc, vậy giờ đây thực sự điện thoại Wiko là hàng Tàu hay Pháp? Ai cũng sẽ tự hỏi câu này, tuy nhiên trụ sở của hãng điện thoại Wiko hiện tại vẫn được đặt tại Pháp, bên cạnh đó phương Tây có cách kinh doanh không theo kiểu "gia đình trị" như ở Trung Quốc hay Việt Nam, người nắm vốn chính chưa hẳn là người có quyền thay đổi đường hướng hoạt động của doanh nghiệp, không ít những cuộc chuyển giao quyền lực ở các công ty tập đoàn đều phải giữ lại công nghệ gốc lẫn nguồn lực hạt nhân trong những điều khoản rõ ràng được ghi trên bản cam kết, phần nhiều là do người mua cũng muốn giữ được những gì đã, đang và vẫn làm nên thành công của thương hiệu, rất có thể hãng điện thoại Wiko cũng thuộc dạng này vì đến tận bây giờ phong cách sản xuất và quan điểm chế tạo smartphone của hãng này vẫn chưa từng thay đổi, cứ nhìn vào hình ảnh sản phẩm của họ sẽ thấy.

Thiết kế sang trọng, kết cấu chắc chắn, vỏ gia cố dày hơn nên điện thoại Wiko đảm bảo độ bền cao, chống va đập tốt.

Nếu chỉ vì hầu hết cổ phần của Wiko đều thuộc về doanh nghiệp Trung Quốc mà gán ngay "mác Tàu" là đã quá vội vàng, sao không xét đến bản chất thành phẩm đang rất rõ ràng ở các dòng điện thoại Wiko mà hãng này vừa giới thiệu? Hãy nhớ rằng thương hiệu điện thoại Wiko là một hiện tượng của Pháp vì ở lịch sử phát triển của hãng có một dấu son chói lọi khi từ một kẻ vô danh chỉ sau hai năm đã đánh bại iPhone giành ngôi nhì bảng trên đất Pháp và vẫn giữ vị thế này cho đến tận hôm nay, chưa kể đến việc tiến chiếm thêm thị trường nhiều nước lân cận đang diễn ra khá êm đẹp, điều mà smartphone chuẩn Trung Quốc không thể làm được tại châu Âu.

Nên mua điện thoại Wiko hay không khi xuất sứ nguồn gốc dính "nghi án"?


Trừ khi giá siêu tốt với cấu hình ngang tầm những loại smartphone khác, mẫu mã đẹp nữa thì quyết định chi tiền hay không để mua điện thoại Wiko sẽ dễ quyết hơn, tâm lý chung là thế và tôi cũng là một trong số đó. Trong tiềm thức chọn lựa của người Việt mình thì chất lượng vẫn bị đứng sau giá và mẫu mã, miễn là không độc hại gì, còn không thì cứ rẻ đẹp là "xúc", đây chính là ngõ lách dành cho các loại smartphone Trung Quốc đang đổ quân ồ ạt vào nước ta và cũng là đường sống khả dĩ của điện thoại Wiko. Một số người sẽ phán rằng không nên mua smartphone nhãn Pháp này vì là tên giả mạo che mắt người tiêu dùng, nhưng sự thật về gốc gác vẫn chưa rõ ràng mà hiện tại điện thoại Wiko vẫn đang chạy hàng đều đều theo nhiều hình thức dù không rôm rả như các tên tuổi lớn khác.

Bản chất nguồn gốc điện thoại Wiko và tâm lý thị trường là một vấn đề thú vị, với những hãng smartphone khác rành rành là của Trung Quốc thì phản ứng của người dùng Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng với điện thoại Wiko có lý lịch cực đẹp từ Pháp bị "nhồi" thêm "bí ẩn hàng Tàu" lại làm người ta khó nghĩ, nhất là khi thấy sản phẩm của hãng này đẹp, cứng cáp, hỗ trợ khách đến "tận răng" thông qua những phụ kiện nho nhỏ đi theo fullbox.

Trọn bộ fullbox điện thoại Wiko Bloom có sẵn 3 khung SIM rất tiện cho người dùng, cho thấy độ quan tâm khách hàng của Wiko là không hề thấp. Ảnh: DidongViet.vn

Như đã nói qua ở trên về tiềm thức tiêu dùng của đa số dân mình, với những chính sách và chiến lược tiến chiếm thị trường di động Việt dựa trên giá rẻ, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và chăm sóc khách hàng tận tình bằng nhiều hình thức được hiện rõ trong thời gian đầu này thì cơ hội điện thoại Wiko được chào đón không hề thấp. Khó khăn về thương hiệu chưa được phổ biến, thị trường cạnh tranh cao, nguồn gốc dính nghi án,...chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mức tiêu thụ của hãng Wiko ở Việt Nam, nhưng nếu bản chất tốt và mang lại lợi ích cao cho người tiêu dùng thì sau một thời gian nữa mọi thứ sẽ khả quan hơn, tâm lý thị trường cũng dần thả lỏng trước một tên tuổi đáng tin cậy.

Tựu lại điện thoại Wiko nên mua hay bỏ qua vẫn là tùy ở mỗi người


Hàng dỏm hàng giả, chất lượng kém, gây nguy ngại và làm phí tiền của hiển nhiên phải bỏ qua, nhất quyết không mua về làm rác; sản phẩm tốt chất lượng cao, công nghệ nổi bật,...dù muốn mua nhưng xét giá thành đôi khi cũng nên "lướt" nếu thấy không hợp túi tiền. Đối với điện thoại Wiko có lẽ là nằm giữa đôi bờ, nếu không phải tên tuổi của hãng ở Việt Nam còn yếu và dính dáng đến Trung Quốc thì với chất cao, giá rẻ, mẫu mã đẹp thì "nên mua" sẽ là lời khuyên đáng nghe theo.

Bên cạnh đó đối thủ trực tiếp trong phân khúc smartphone giá rẻ của Wiko là Asus đang rất được ưa chuộng, chiến lược quảng bá mạnh hơn hẳn nên vẫn là rào cản cho bước tiến của điện thoại Wiko tại Việt Nam, khi tâm lý thị trường đang chuộng các dòng Zenfone thì smartphone Wiko nên có điều gì đó thật sự thuyết phục hơn nhiều để có thể làm siêu lòng người dùng công nghệ tại Việt Nam, Wiko thành công ở nước ta hay không vẫn là câu "hạ hồi phân giải".

Thanh Thái