Kịch bản xấu nhất khi đoạn tuyệt giao thương với Trung Quốc

00:42 |

Trước nhiều thắc mắc và bức xúc xoay quanh vấn đề biển Đông thì Tổng Cục thống kế đưa ra kịch bản xấu nhất là GDP nước ta sẽ giảm 10% nếu đoạn tuyệt giao thương với Trung Quốc.


Đây chỉ đơn thuần là thống kê dự đoán trước tình hình kinh tế nước nhà trong tình huống quan hệ Việt-Trung bị xấu đi và đóng băng mọi hoạt động thương mại, từ đó có sự cân nhắc phải chuyển dời thị trường ra sao và khi nào tiến hành với mức độ nào nhằm tránh làm tình hình kinh tế xã hội rối loạn, tạo cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề biển Đông, đây cũng là quan điểm của blog tin tức Viêm Ảnh trong sự việc này.
Giao thương với Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước, một giải pháp triệt để phải được đưa ra.

Đưa tin về phân tích kể trên thì trên VnExpress đã có bài GDP có thể giảm 10% nếu thương mại Việt - Trung ngưng trệ với nội dung như sau:

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Nguyễn Bích Lâm cho rằng kịch bản xấu nhất này có thể xảy ra khi quan hệ với Trung Quốc đóng băng và Việt Nam chưa tìm được thị trường thay thế.

Tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội 6 tháng của Tổng cục Thống kê sáng 27/6, ông Lâm cho biết hiện Trung Quốc đang là bạn hàng quan trọng của Việt Nam, chiếm một phần tư kim ngạch nhập khẩu (chủ yếu là nguyên vật liệu, phụ liệu sản xuất). "Nếu quan hệ thương mại với Trung Quốc ngưng trệ, chắc chắn kinh tế trong nước sẽ bị tác động", lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định.

Bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ cho biết Việt Nam đang nhập khẩu trên 90% tư liệu sản xuất từ Trung Quốc (gồm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, phụ liệu... ), do đó khó có thể hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ nước láng giềng phương Bắc ngay trong thời gian ngắn.

"Từ tháng 5 trở lại đây, thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc giảm nhẹ. Trong đó, xuất khẩu giảm nhưng phần nhập khẩu giảm không đáng kể. Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của sự kiện Biển Đông tới thương mại hai nước sẽ thể hiện rõ nét hơn trong thời gian tới", bà Thủy thông tin. Ba năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu 70% linh kiện từ Trung Quốc, nhưng không xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện trở lại thị trường này mà chủ yếu là lắp ráp rồi xuất đi các nước khác, còn mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là nông sản và khoáng sản.

Quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Thống kê trùng với nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế. Trao đổi với VnExpress trước đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cú sốc từ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế năm nay và cả năm sau. Kịch bản xấu nhất có thể khiến GDP năm 2014 tăng trưởng dưới 5% - mức thấp nhất 5 năm gần đây.

Chuyên gia kinh tế Phạm Lợi đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nhận định Trung Quốc+3 gồm Macau, Hong Kong và Đài Loan ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất Việt Nam, bởi nguyên phụ liệu sản xuất đa số có xuất xứ từ nhóm này (chiếm 30-40%) và cả những nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhập khẩu lớn từ Trung Quốc+3.

Do đó, giả sử kịch bản xấu nhất khi mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc ngưng trệ và các doanh nghiệp trong nước không tìm được thị trường xuất, nhập khẩu thay thể, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết GDP Việt Nam ước giảm khoảng 10%.

"Trong trường hợp thương mại hoàn toàn ngưng trệ với Trung Quốc và không tìm được các bạn hàng thay thế thì GDP bị giảm đi 10%. Chẳng hạn quy mô GDP hiện tại là 156 tỷ USD, sẽ co hẹp còn 141 tỷ USD", ông Lâm nói. Không chỉ vậy, GDP năm 2014 có thể chỉ ở mức 5,5 - 5,6%, không đạt mục tiêu 5,8% đã đề ra do chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu dệt may, linh kiện điện tử, máy móc từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng Việt Nam sẽ không bao giờ chịu ngồi yên mà sẽ tìm được bạn hàng khác thay thế, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Ấn Độ, xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc...

Theo bà Thủy, sự kiện Biển Đông là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cải cách mạnh mẽ và vươn lên, tham gia vào các gói thầu công trình lớn, công trình dân sinh không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và đi sâu hơn vào những ngành hàng mà lâu nay phải nhập khẩu như thuốc trừ sâu, phân bón và đặc biệt là nguyên liệu dệt may.

"Chính sách của Việt Nam thời gian qua đang có hướng tái cơ cấu, ít chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong phát triển kinh tế. Nếu chúng ta thay đổi kịp thời để bù đắp thiếu hụt do sự kiện Biển Đông thì kinh tế sẽ có cơ hội phát triển và đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%", ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết.

Tại một hội thảo mới đây, ông Đặng Xuân Quang - Cục Phó Cục Đầu tư cũng chia sẻ Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã nghiên cứu kỹ về tác động phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc hiện đầu tư vào Việt Nam 4 tỷ USD, song tính thêm cả các vùng lãnh thổ như Macau, Hong Kong, Đài Loan, con số sẽ lên khoảng 48 tỷ USD.

"Chúng ta không nên quá hốt hoảng vì đây không phải là đồng nhất. Đài Loan là Đài Loan, Hong Kong là Hong Kong. Mỗi một lãnh thổ có những lợi ích riêng", ông Quang nói. Tuy nhiên, trong trường hợp mối quan hệ hai nước căng thẳng, các nhà đầu tư phải chuyển sang dùng nguyên liệu của nước thứ ba làm chi phí tăng lên, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng đồng tình với ý kiến nên có những ưu đãi để chia sẻ với nhà đầu tư, bù đắp cho phần lợi nhuận giảm nếu giá thành tăng.

Có lẽ với một bộ phận người dân sẽ nhìn nhận việc đoạn tuyệt giao thương với Trung Quốc là sự tổn thất lớn và gây nguy cơ bất ổn nghiêm trọng, song nếu suy xét kỹ thì nguy cơ không lớn bởi tình hình đã được dự đoán và đã lên phương án đối phó, ngoài ra xuất hiện nguy cơ cũng đồng nghĩa xuất hiện cơ hội, một cơ hội triệt để đa dạng hóa thị trường, "chia trứng nhiều rổ" chứ không để tình trạng quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định như bấy lâu nay đang làm.

Thanh Thái