Home
» Mỹ
» Thế giới
» tình báo Mỹ
» Triều Tiên
» GĐ tình báo Mỹ giải cứu công dân bằng ngoại giao với Triều Tiên
GĐ tình báo Mỹ giải cứu công dân bằng ngoại giao với Triều Tiên
Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014.
Câu chuyện giải cứu hai công dân Mỹ bị Triều Tiên kết án tù khổ sai được thực hiện bởi giám đốc tình báo Mỹ bằng con đường ngoại giao được kể lại khá chi tiết.
Có lẽ nhiều người còn nhớ về việc hai công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ và kết án tù khổ sai nhưng sau đó được phóng thích cách đây không lâu, hầu như tất cả đều rõ việc phóng thích này được diễn ra vì chính quyền Mỹ đã có hoạt động ngoại giao tích cực để giải quyết vấn đề đó, nhưng ít ai biết nó đã diễn ra như thế nào và thực sự giám đốc tình báo Mỹ đã dẫn đầu đoàn ngoại giao để cuộc thương thuyết được thành công. Xin nói thêm là một trong hai công dân bị cầm tù từng được truyền thông nước ta nhắc đến khi anh này tự xé hộ chiếu của mình tại sân bay Triều Tiên rồi xin tị nạn ở nước này.
Nếu ai muốn biết tường tận vệ cuộc giải cứu này thì có thể đọc qua bài Cuộc giải cứu công dân ở Triều Tiên của trùm tình báo Mỹ được VnExpress đăng tải với nội dung như sau:
Khi một quan chức Triều Tiên đến Nhà khách Chính phủ yêu cầu giám đốc tình báo Mỹ James Clapper thu dọn đồ đạc, ông đã nghĩ nhiệm vụ bí mật giải cứu hai công dân đang bị Triều Tiên giam giữ đã thất bại.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper. Ảnh: AP
Chiều ngày 8/11, một quan chức Triều Tiên đến Nhà khách Chính phủ ở Bình Nhưỡng, yêu cầu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper và phái đoàn của ông đóng gói hành lý để ra về. Ông Clapper, người đang thực hiện một nhiệm vụ bí mật, đảm bảo sự tự do của hai công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ, vào thời điểm đó nghĩ rằng ông có thể về nhà trắng tay.
Hai công dân này là Matthew Todd Miller, 24 tuổi, hôm 14/9 bị Tòa án Tối cao Triều Tiên kết án 6 năm lao động khổ sai vì "có hành vi thù địch với Bình Nhưỡng", do tự xé rách visa và xin tị nạn tại nước này hồi tháng 6, theo thông tin từ phía Triều Tiên. Người còn lại là Kenneth Bae, một nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn phải thực thi bản án 15 năm lao động khổ sai vì tội "âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên".
Kể lại chuyến đi đến Triều Tiên với Wall Street Journal, giám đốc tình báo Mỹ cho biết Bình Nhưỡng có vẻ thất vọng khi ông tới mà không mang đến một đàm phán hòa bình. Đồng thời, họ không ra yêu sách trao đổi để phóng thích các tù nhân.
Các quan chức Mỹ cho biết nhiệm vụ được giữ kín này không nhằm báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong cách tiếp cận Triều Tiên của Mỹ.
Bình Nhưỡng gửi lời đến Washington vào cuối tuần ngày 1-2/11 rằng Triều Tiên sẽ tiếp nhận một phái đoàn Mỹ, dẫn đầu bởi một quan chức cấp chính phủ để thảo luận về việc phóng thích hai công dân nước này.
Bình Nhưỡng nói rõ nước này muốn Washington gửi một "phái viên cấp cao" và cho biết họ muốn nhận đươc thông điệp từ tổng thống Mỹ.
Nhà Trắng chọn giám đốc tình báo Clapper, vì ông là một quan chức cấp chính phủ, mặc dù không phải là một thành viên nội các hay một nhà ngoại giao. Nhà Trắng không muốn làm Triều Tiên nghĩ rằng ông được cử đến để tiến hành một cuộc đàm phán ngoại giao. Ông Clapper cũng từng là một sĩ quan tình báo quân sự tại Hàn Quốc vào giữa những năm 1980 và vẫn tiếp tục quan tâm đến tình hình bán đảo Triều Tiên.
Ông Clapper cho biết đến thăm Triều Tiên là một trong những điều ông "ao ước".
Máy bay chở giám đốc tình báo Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Andrews sáng ngày 4/11. Tuy nhiên, do trục trặc kỹ thuật, chuyến đi bị trì hoãn. Phi cơ của ông hạ cánh tối hôm 7/11. Sứ mệnh này được giữ bí mật vì lo ngại nếu công khai thông tin, thỏa thuận hai bên có thể bị phá vỡ. "Chúng tôi lo ngại nhiệm vụ sẽ bị tiết lộ do chuyến bay bị trì hoãn", ông Clapper nói.
Bộ trưởng An ninh Triều Tiên, tướng Kim Won Hong, chào đón ông Clapper cùng phái đoàn Mỹ gồm trợ lý và một bác sĩ khi họ vừa hạ cánh. "45 phút ngồi trên xe đến Nhà khách Chính phủ tưởng như 'dài vô tận'", ông Clapper nói.
"Tranh luận và đối thoại bắt đầu ngay lập tức trong xe với ông Kim", ông kể tiếp. "Họ hy vọng sẽ đạt được một số bước đột phá lớn. Họ nghĩ rằng tôi sẽ đưa ra những đề nghị quan trọng, có thể là một sự công nhận hoặc một hiệp ước hòa bình. Tất nhiên, tôi không đến Triều Tiên với nhiệm vụ đó, vì vậy họ khá thất vọng".
Từ nhà khách, ông Clapper và phái đoàn đến một nhà hàng ở trung tâm thành phố Bình Nhưỡng, nơi Chủ nhiệm Tổng cục Trinh sát Triều Tiên, tướng Kim Young Chol, một quan chức tình báo hàng đầu, chào đón họ với một bữa ăn tối truyền thống gồm 12 món.
"Đồ ăn rất ngon", ông kể lại. Thực đơn có hải sản, thịt gà, xà lách và kim chi, bia và rượu vang. "Tuy nhiên, giá như chúng tôi có một cuộc trò chuyện thoải mái hơn", ông kể tiếp.
Triều Tiên nắm giữ lý lịch chi tiết của Clapper, kể cả con số chính xác những nhiệm vụ ông từng thực hiện khi còn hoạt động trong không quân.
Trong bữa tối kéo dài gần ba giờ đồng hồ, hai bên tranh luận về những vấn đề họ cảm thấy là hành động khiêu khích, như các cuộc tập trận của Mỹ ở Hàn Quốc và thử nghiệm quân sự của Triều Tiên.
Khi bữa tối kết thúc, ông Clapper tham khảo ý kiến phái đoàn của mình và quyết định đã đến lúc "đưa ra lá thư của tổng thống", vì ông không được cung cấp chương trình nghị sự cho ngày hôm sau và không biết sau đó ông có lịch gặp quan chức Triều Tiên nào khác không.
Tướng Kim Young Chol có vẻ ngạc nhiên khi được trao thư. Lá thư được viết bằng tiếng Anh, giới thiệu ông Clapper là đặc phái viên của Tổng thống Obama và "mô tả rõ việc phóng thích hai tù nhân là một cử chỉ tích cực", ông Clapper cho biết và từ chối trích dẫn nội dung trực tiếp. "Nó không hề gửi lời xin lỗi đến Triều Tiên", ông khẳng định.
Sáng hôm sau, Triều Tiên chấp nhận yêu cầu cho các con tin Bae và Miller gặp bác sĩ của ông, tuy nhiên, quan chức nước này để ông ở lại Nhà nghỉ Chính phủ và không hề đưa ra chương trình làm việc trong ngày.
Ông Clapper đến Triều Tiên với ít hành lý và không hề mang theo sách báo. Ông giết thời gian tại Nhà khách Chính phủ bằng hai quyển tạp chí tuyên truyền in hình những người dân Triều Tiên mỉm cười khi hái táo và chuẩn bị hải sản.
"Họ cố tình để chúng lại cho tôi đọc", ông nói.
Khoảng giữa trưa, một quan chức thông báo với ông rằng Bình Nhưỡng đã "giáng cấp" địa vị của ông. Triều Tiên không coi ông là đặc phái viên của Tổng thống Obama nữa, vì ông đến nước này chỉ để đón hai công dân Mỹ.
Các quan chức nói với giám đốc tình báo Mỹ rằng do tư cách mới của ông, chính phủ Triều Tiên "không thể đảm bảo an toàn và an ninh cho tôi. Các công dân Bình Nhưỡng đã biết phái đoàn chúng tôi đến đây. Chúng tôi đến để mang các tù nhân đi và người dân đang giận dữ", ông nói.
Ba giờ đồng hồ sau đó, một quan chức Triều Tiên khác đến và thông báo cho phái đoàn Mỹ biết họ có 20 phút để đóng gói hành lý và rời đi.
Họ đến khách sạn cao cấp Koryo, nơi ông Clapper cùng phái đoàn được đưa vào một căn phòng có chiếc bàn lớn hình bầu dục, ngồi đối diện với một vài quan chức từ văn phòng công tố Triều Tiên. Hai công dân Mỹ, Bae và Miller tiến vào, mỗi người được hai binh sĩ hộ tống. Họ mặc áo tù và đứng đằng sau các công tố viên.
Tướng Kim Won Hong bước vào phòng, tất cả mọi người đứng dậy như thể đứng trước một thẩm phán. Tướng Kim đọc lá thư từ lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un, ban cho hai tù nhân lệnh ân xá.
"Ông Kim quay sang tôi bày tỏ hy vọng có thể tổ chức đối thoại song phương trong tương lai, nhưng không phải về vấn đề tù nhân", ông Clapper kể lại. Họ bắt tay nhau, và ông Clapper cảm ơn ông Kim. Bae và Miller thay bộ quần áo tù và rời đi cùng phái đoàn.
Khi ngồi trên xe limo đến sân bay để về nước, ông Clapper trò chuyện với một quan chức Triều Tiên ít tuổi hơn mà ông gọi là nhà đối thoại. Người này bày tỏ sự tiếc nuối rằng Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn bị chia cắt và hỏi Clapper liệu ông có muốn trở lại Bình Nhưỡng không.
"Tôi nói rằng nếu tôi nhận được lời mời, tôi chắc chắn sẽ đến", ông kể lại.
"Tôi nghĩ rằng tình hình tại đây khá lạc quan. Triều Tiên có khả năng thay đổi và có thể có đối thoại song phương trong tương lai", ông nói.
"Những người có thế lực ngay sau ông Kim Jong-un là những người thuộc thế hệ cũ, họ luôn giữ nguyên quan điểm của mình. Họ sẽ không thay đổi".
Các quan chức quân sự Mỹ cho biết Triều Tiên trong 2-3 tháng qua có biểu hiện ít khiêu khích hơn, khi so sánh với động thái của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ cảnh báo "không có gì có thể đoán được. Điều đó có thể thay đổi".
Khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, các quan chức Mỹ từng hy vọng rằng ông có thể mang đến điều mới mẻ. Nhưng những quyết định quân sự cứng rắn của ông Kim, bao gồm cả thử nghiệm tên lửa để khiêu khích khiến một số quan chức Mỹ có cái nhìn ngược lại.
Tuy nhiên, ông Clapper cho rằng nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên có thể đứng về phía thế hệ mới, thay vì những cố vấn thân cận nhất đã lớn tuổi của ông.
Giám đốc tình báo Mỹ từ chối cho biết chi tiết về chuyến bay trở về. Bae và Miller ngồi ở phía trước phi cơ cùng bác sĩ trong đoàn. Clapper ngồi ở phía sau và không nói chuyện với họ.
"Tôi quyết định không trò chuyện do một số vấn đề bảo mật", ông nói.
Máy bay hạ cánh tại một căn cứ quân sự gần Seattle vào đêm 8/11, người thân hai công dân đón chờ sẵn trên đường băng. Ông Clapper theo dõi hai gia đình đoàn tụ từ buồng lái, sau đó bay trở lại Washington để báo cáo với tổng thống.
Matthew Todd Miller (trái) gặp lại người thân sau khi được Triều Tiên phóng thích. Ảnh: AP
Có lẽ nhiều người sau khi đọc xong bài báo ở trên sẽ cảm thấy không có quá nhiều kịch tính như trong các bộ phim giải cứu tù nhân hay con tin của quân đội Mỹ hay các cơ quan tình báo, mật vụ này kia của họ với các cảnh ẩn nấp, lén lún đột nhập hay bắn giết,...tuy nhiên cân não đấu trình và dùng ba tấc lưỡi để thuyết phục đối phương thả công dân cũng chẳng phải là điều dễ làm, mang nhiều tính nghệ thuật ngoại giao và tâm lý.
Tiêu Viêm
Bài liên quan